Từ 3 tuổi, bé đã có nhận thức rất “người lớn”. Muốn tạo tình cảm tốt đẹp với con, cha mẹ cần điều chỉnh vài điều nho nhỏ trong cách nuôi dạy bé.
Khi con mắc lỗi, bạn hãy phê bình hành vi của con, chứ đừng nhắm vào bản thân con. Ví dụ, nếu bé vứt đồ chơi, bạn hãy nói: “Vứt đồ chơi như thế không ngoan”, đừng nói: “Con thật là đứa bé hư!”.
Hãy cố gắng hiểu những cảm xúc của con. Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Denise Thornton (Anh), trẻ con cần được người lớn giúp đỡ trong việc chế ngự cảm xúc. Các bậc phụ huynh nên nói chuyện cởi mở với con về việc bé cảm thấy thế nào. Với trẻ nhỏ, cùng với đồ chơi và cách học vẽ, cha mẹ có thể “khai thác” cảm xúc đó dễ dàng.
Cha mẹ nên đề ra danh sách các nội quy trong gia đình. Tất nhiên chính cha mẹ cũng phải tuân theo các “nội quy” đó. Đừng giận dữ la hét nếu bản thân bạn cũng không muốn con mình làm vậy. Trẻ con bắt chước rất nhanh, muốn con tốt, hãy làm gương cho bé.
Khơi dậy sự tự tin cho con bằng cách để bé được tự ý đưa ra các quyết định đơn giản, như bé sẽ mua quà gì cho sinh nhật người bạn cùng lớp, bé sẽ mặc đồ nào…
Đừng quên khen thưởng khi bé có hành vi tốt. Nhớ thưởng cho bé vì cả sự nỗ lực của bé chứ không đơn giản chỉ thưởng thành quả bé đạt được. Khuyến khích con cố gắng có ý nghĩa hơn nhiều so với việc nhấn mạnh vào kết quả cuối cùng của con.
Nhớ tập trung vào những mặt tích cực của bé. Thay vì la mắng khi bé phạm sai lầm, hãy khen bé những việc tốt nho nhỏ như khi bé không làm kem đánh răng chảy toe toét ra khỏi tuýp. Rồi bạn sẽ thấy hiệu quả: Bé thực hiện công việc đánh răng “gọn gàng” hơn vì bé luôn cố gắng xứng đáng với lời khen của mẹ.
Ở tuổi lớn hơn, bé có thể không thích mẹ thể hiện những hành vi “âu yếm thái quá” như hôn nựng bé trước mặt mọi người. Đừng nghĩ rằng bé đã hết yêu bạn, chỉ vì bé xấu hổ thôi. Hãy dành cho bé những nụ hôn khi mẹ con đã về nhà, bạn sẽ thấy bé vẫn thích được mẹ yêu như thế.
Cha mẹ nên quan tâm đến cả chế độ ăn của con. Một chế độ ăn uống cân bằng không chất phụ gia công nghiệp, không chứa hàm lượng đường cao sẽ giúp bé cư xử đúng mực hơn. Đường khiến bé thừa năng lượng, thiếu vitamin và khoáng chất, gây rối loạn cân bằng não và dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát.
Nếu con bạn không chịu thu dọn đồ sau khi đã chơi xong, hãy thử cách này với bé: Rủ bé chơi thu dọn. Bố mẹ sẽ đặt đồng hồ “hẳn hoi” và xem trong khoảng thời gian nhất định, cả nhà xếp được bao nhiêu đồ chơi vào giỏ. Tiếng chuông reng reng báo hiệu hết giờ thực sự làm bé thích thú, bé sẽ cố thu xếp đồ thật nhanh.
Ai cũng có lúc mắc lỗi, kể cả bé hay bố mẹ. Nếu bạn sai, đừng ngại xin lỗi con. Cả cha mẹ và bé đều phải biết rằng mình cần được tha thứ và cho cơ hội sửa chữa lần sau./.